Sốt, đau đầu, nôn,… là những triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, sốt virut,… nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Vì vậy cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viêm màng não thường xảy ra trong mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não. Đây là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động,…
Cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm dấu hiệu viêm màng não và điều trị kịp thời. Ảnh:MH |
Do đó để phát hiện dấu hiệu trẻ mắc viêm màng não, ngay khi trẻ có biểu hiện bị sốt cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý các dấu hiệu quan trọng như sau:
- Biểu hiện của viêm màng não thường bắt đầu với các biểu hiện sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virut,… Do đó cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên.
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC cần lau mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng. Theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ. Chú ý các dấu hiệu gợi ý viêm màng não như:
Co giật: Có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số trẻ co giật đơn thuần do sốt cao hoặc có một số trẻ do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: Lúc đầu trẻ trong tình trạng dễ bị kích động, sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
Trẻ thường kêu đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
- Đối với trẻ sơ sinh: Các dấu hiệu ban đầu thường không đặc hiệu và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác ở trẻ sơ sinh, có thể không sốt hoặc có sốt và có kèm theo một trong các triệu chứng trên.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định hoặc cho trẻ uống các loại thuốc lá theo mách bảo hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
0 Nhận xét